Sáng 27/6, với 438/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam.
Nghị quyết này quy định về việc thành lập, hoạt động, quản lý, giám sát và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với TTTC quốc tế tại Việt Nam.
TTTC quốc tế đặt tại TPHCM và TP. Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở thống nhất về hoạt động, quản lý, giám sát; có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng Thành phố; bảo đảm sự công bằng, tương hỗ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu, gắn với động lực tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh và huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
TTTC quốc tế vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và phát triển dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ.
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia tài chính trong nước và nước ngoài; tạo môi trường làm việc và sinh sống thuận lợi cho chuyên gia, doanh nhân quốc tế tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Việc phát triển TTTC quốc tế phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, ổn định chính trị, trật tự,an toàn xã hội.
Trước đó, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đã khảo sát, tổ chức nhiều hội thảo tham vấn ý kiến các định chế tài chính lớn, các nhà đầu tư, chuyên gia trong nước và quốc tế và đều được đánh giá các cơ chế, chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có tính đột phá, cạnh tranh.
Trong đó, chính sách thuế, đất đai, hạ tầng, nhân lực, một số quy định về bảo hiểm,... đã vượt trội so với một số TTTCQT khác; một số chính sách tiệm cận với thông lệ quốc tế như mô hình quản lý, ngôn ngữ, xuất nhập cảnh, kế toán, lao động việc làm, fintech, sandbox, phương thức đối tác công tư (PPP)...; một số chính sách có lộ trình mở cửa có kiểm soát, điều chỉnh dần như ngoại hối, giải quyết tranh chấp…
Theo: cafef.vn