Căn cứ khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
"Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan."
Trong trường hợp, người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
Như vậy, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi thành niên (18 tuổi); nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn.
Tiền cấp dưỡng nuôi con được quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
"1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."
Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.
Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Theo Luật Phúc Gia thì cấp dưỡng nuôi con vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Quyền ở đây chính là việc mưu cầu cho con mình được hạnh phúc, được tốt hơn, có cuộc sống đầy đủ khi bố mẹ đã không thể chung sống với nhau, không thể có gia đình trọn vụ đúng nghĩa. Nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu, cơ bản để con trưởng thành. Đã là bố mẹ khi ly hôn hãy nhớ thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản này cho con mình nhé.
Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực Hôn nhân và Gia đình vui lòng liên hệ Luật Phúc Gia theo số hotline: 0985.181.183
Trân trọng!