Thưa Luật sư, tôi và chồng kết hôn đã được 10 năm và có đứa con trai cũng đã được 9 tuổi. Nay chồng tôi và bố chồng không may qua đời trong vụ tai nạn. Mà trước đó chúng tôi đều ở cùng bố chồng nhưng vừa mới chuyển ra ngoài được 1 năm, mẹ chồng tôi cũng đã qua đời từ lâu. Bố chồng tôi mất không để lại di chúc gì. Nhà tôi còn có 2 anh chồng và 1 chị chồng. Nay phân chia tài sản tôi không được chia 1 phần nào. Thưa luật sư vậy trong trường hợp như thế liệu tôi có được chia phần tài sản này không ạ?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Phúc Gia, về vấn đề mà bạn quan tâm Luật Phúc Gia gửi đến bạn tư vấn sau:
Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”(Điều 610 BLDS 2015)
Khi người chết không có di chúc, thì theo pháp luật, những người được hưởng di sản đầu tiên sẽ là cha, mẹ, vợ, chồng và các con của họ.
Các cháu hoặc chắt (nội, ngoại) sẽ là những người được hưởng di sản thừa kế được ưu tiên ở hàng thứ 2 và thứ 3 khi những người nêu trên không còn ai. Trong một số trường hợp nhất định, những người cháu, chắt (nội, ngoại) này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế ngang hàng với bố, mẹ, vợ, chồng hoặc những người con còn lại của người chết với vai trò là người thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 619, 652 Bộ luật dân sự 2015.
“Điều 619. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm
Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.”
“Điều 652. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản. Thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản. Thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Theo quy định, người còn sống để hưởng di sản thừa kế được xác định là:
- Người Còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết
- Người thành thai trước khi người để lại di sản chết và sau khi sinh ra còn sống.
Như vậy, theo quy định này, có thể xác định người thừa kế của người chết nếu chết trước hoặc cùng lúc với người đó thì về nguyên tắc sẽ mất quyền hưởng di sản, vì họ không còn là “người còn sống”. Tuy nhiên, nếu như người này là con của người để lại di sản thừa kế thì quyền của họ vẫn sẽ được duy trì nếu như vào thời điểm người này chết, họ đang có con hoặc cháu nội, ngoại (nếu con cũng đã chết) bởi lúc này những người con hoặc cháu nội, ngoại đó của họ sẽ thế vị để hưởng phần di sản mà họ đáng lẽ được hưởng nếu còn sống (Theo Điều 619 Bộ luật dân sự 2015).
Từ đó, có thể hiểu, thừa kế thế vị chính là việc phần di sản mà người con chết trước hoặc cùng lúc với bố hoặc mẹ sẽ được hưởng nếu còn sống được chuyển giao cho các con hoặc cháu nội, ngoại (nếu như không có con còn sống) của người con đã chết đó.
Như trong trường hợp gia đình của bạn thì:
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: 2 anh chồng và 1 chị chồng và chồng của bạn tuy nhiên do chồng của bạn đã chết cùng thời điểm với bố chồng nên những người còn sống được hưởng di sản thừa kế bao gồm:
- 2 anh chồng, 1 chị chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất
- Đối với chồng của bạn: khi chết có 1 người con còn sống nên con của bạn sẽ được thế vị cho chồng bạn hưởng phần di sản thừa kế này (đây là trường hợp con thế vị bố để hưởng di sản của ông)
Điều kiện phát sinh trường hợp thừa kế thế vị:
Thừa kế thế vị thực chất là mối quan hệ giữa người được thế vị (người con của người chết để lại di sản) và người thế vị (cháu, chắt của người chết để lại di sản thừa kế) đối với tài sản mà của người chết để lại. Do đó, trường hợp thừa kế thế vị sẽ phát sinh khi có các điều kiện sau:
– Người được thế vị phải là người con có đủ điều kiện hưởng thừa kế của người đã chết:
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, con đẻ, con nuôi là một trong nhưng đối tượng được ưu tiên đầu tiên hưởng thừa kế. Tuy nhiên, luật cũng quy định một số trường hợp họ không được quyền hưởng di sản tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015, do đó nếu người con đã chết cùng lúc với bố, mẹ thuộc những trường hợp này thì những người thế vị của họ cũng sẽ không được hưởng di sản thừa kế, cụ thể đó là các trường hợp sau:
+ Ngược đãi, hành hạ, làm người để lại di sản bị chết hoặc tổn hại sức khỏe hoặc xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự đã bị kết án.
+ Không thực hiện việc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản đúng với nghĩa vụ mà người con phải thực hiện.
+ Cố ý thực hiện hành vi nhằm giết người thừa kế khác để hưởng di sản.
+ Có những hành vi làm cho người để lại di chúc không lập được di chúc hoặc làm di chúc không đúng ý chí của người để lại di sản nhằm hưởng di sản của họ.
- Người thế vị phải là người đời sau có quan hệ dòng máu trực hệ với người được thế vị (là con đẻ, cháu ruột)
– Người được thế vị phải là người chết trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thừa kế:
Bởi trường hợp nếu người con này chết sau sẽ đặt ra vấn đề quyền thừa kế của người con này đối với di sản của người chết vẫn được công nhận. Do đó, khi người này chết đi, các con hoặc cháu nội, ngoại của người con này sẽ được thừa kế theo hàng thừa kế chứ không đặt ra vấn đề thế vị. Do vậy, thừa kế thế vị chỉ phát sinh khi người thừa kế của người chết đã chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Luật quy định điều này nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người có dòng máu trực hệ với người chết.
- Thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi hàng thừa kế thứ nhất của người đã chết vẫn còn những người khác:
Như vậy qua phân tích trên thì bản thân bạn sẽ không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế di sản của bố chồng mà con của bạn sẽ được thế vào vị trí của chồng bạn hưởng 01 suất thừa kế như 2 anh chồng và chị chồng của bạn với điều kiện con của bạn không thuộc trường hợp không được thừa kế theo quy định.
Trên đây là phân tích pháp lý của Luật Phúc Gia về vấn đề mà bạn quan tâm, mọi vướng mắc liên quan bài viết vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÚC GIA
Hotline: 0985.181.183
Gmail: luatphucgia@gmail.com
Địa chỉ: Số 55 Phố Đỗ Quang, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
Trân trọng!