
Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
- Bộ luật Hình sự 2015
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP
Kết hôn là gì?
"Kết hôn" không chỉ là việc hai người đăng ký quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật. Đó còn là quá trình tạo dựng và duy trì một mối quan hệ đặc biệt, nơi mỗi cá nhân cam kết chia sẻ trách nhiệm, xây dựng nền tảng tình cảm và góp phần vào việc nuôi dưỡng những giá trị gia đình, cũng như góp phần ổn định xã hội.Căn cứ pháp lý: Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
“Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
5. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Do đó, Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật
Điều kiện kết hôn theo quy định mới nhất 2025
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về điều kiện kết hôn như sau:“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”
Các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 5 được dẫn chiếu ở trên quy định về các trường hợp cấm kết hôn, cụ thể:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
...
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Như vậy theo như quy định điều kiện để nam, nữ kết hôn phải đảm bảo các yếu tố về độ tuổi, nhận thức, tự nguyện, bình đẳng, không thộc các hành vi bị cấm như kết hôn giả tạo, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, không kết hôn cận huyết, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Xét riêng về từng điều kiện cụ thể:
Thứ nhất, Điều kiện về độ tuổi.
Tại sao pháp luật Việt Nam lại quy định nam giới 20 tuổi trở lên và nữ giới 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn. Lý giải cho quy định này cụ thể như sau:Pháp luật đưa ra quy định về độ tuổi kết hôn dựa trên nhiều nghiên cứu liên quan đến sinh học, tâm lý và xã hội nhằm đảm bảo sức khỏe, nhận thức cũng như trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình và cộng đồng.
Xét về mặt thể chất và tâm lý, nam giới ở Việt Nam thường phát triển chậm hơn nữ giới cùng độ tuổi. Đến năm 20 tuổi, họ mới hoàn thiện về mặt sinh học, có khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi tốt hơn. Đây cũng là độ tuổi phù hợp để xây dựng gia đình, đảm bảo trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái và đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, ở một số khu vực, nam giới có thể trưởng thành sớm hơn do tác động từ môi trường sống và nền tảng gia đình. Ngược lại, tại các vùng dân tộc thiểu số, điều kiện dinh dưỡng thiếu thốn khiến quá trình phát triển thể chất diễn ra chậm hơn. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản và chất lượng dân số. Bên cạnh đó, Độ tuổi 20 là độ tuổi bình quân của nam giới trên toàn quốc. Với những yếu tố trên, pháp luật quy định nam giới phải đủ 20 tuổi mới được đăng ký kết hôn, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân.
Và các nghiên cứu phân tích về nữ giới cũng tương tự khi đạt tuổi 18 trở lên.
Thứ hai, về điều kiện kết hôn: do nam và nữ tự nguyện quyết định
Quyền kết hôn là quyền gắn liền với nhân thân của mỗi cá nhân. Do vậy việc kết hôn phải do người kết hôn tự nguyện quyết định. Tự nguyện kết hôn là đảm bảo để quan hệ hôn nhân được xác lập phù hợp với lợi ích của người kết hôn, là cơ sở để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bền vững. Vì thế, Luật Hôn nhân và gia đình không quy định việc đại diện trong kết hôn đồng thời cấm hành vi cưỡng ép, lừa dối, cản trở việc kết hôn làm cho việc kết hôn không đảm bảo sự tự nguyện.Tự nguyện trong kết hôn trước hết phải thể hiện bằng ý chí chủ quan của người kết hôn. Hai bên nam, nữ yêu thương nhau và tự mình quyết định xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình. Ý chí này của mỗi bên nam, nữ không bị tác động bởi một bên hoặc của người thứ ba.
Tự nguyện kết hôn còn thể hiện bằng dấu hiệu khách quan. Người kết hôn phải bày tỏ mong muốn được kết hôn với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành vi đăng ký kết hôn. Vì thế, khi đăng ký kết hôn yêu cầu phải cố mặt của hai bên nam, nữ.
Thứ ba, Người kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Như vậy, tại thời điểm kết hôn mà một người có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là người mất năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện kết hôn.Quy định này đảm bảo tính logic với quy định về sự tự nguyện kết hôn. Bởi vì, người mất năng lực hành vi dân sự thì không thể tự nguyện bày tỏ ý chí trong việc kết hôn. Do vậy, việc chuyển hóa từ một điều cấm thành một yêu cầu đối với người kết hôn là thể hiện rõ tính nhân văn của điều kiện kết hôn này.
Thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình cho thấy, nhiều trường họp người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tuy nhiên không có yêu cầu Tòa án tuyên người đó là người mất năng lực hành vi dân sự. Vì thế, họ vẫn đủ điều kiện kết hôn, trong khi đó việc kết hôn này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người kết hôn cũng như gia đình và xã hội. Vì vậy, cần phải có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cũng như ý thức tôn trọng quyền tự do kết hôn của cá nhân để mọi người tự giác thực hiện, tránh tình trạng quy định điều kiện chỉ mang tính chất hình thức.
Thứ tư, việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm kết hôn
Việc quy định điều cấm góp phần bảo vệ những nét đẹp mang giá trị văn hóa, truyền thống của người Việt Nam đối với đời sống, hôn nhân và gia đình, đồng thời góp phần ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình.Có thể thấy, quy định mới nhất năm 2025 về điều kiện kết hôn tiếp tục khẳng định vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân – gia đình theo hướng tiến bộ, phù hợp với thực tiễn xã hội và nhu cầu bảo vệ quyền lợi cá nhân. Việc tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn không chỉ là yêu cầu pháp lý bắt buộc mà còn là tiền đề quan trọng để xây dựng một cuộc sống hôn nhân ổn định, lành mạnh và bền vững. Mỗi cá nhân, trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng, cần nhận thức rõ trách nhiệm pháp lý cũng như nghĩa vụ xã hội đi kèm, nhằm góp phần giữ gìn giá trị đạo đức và trật tự xã hội.
Quý bạn đọc đang có vướng mắc trong vấn đề đăng ký kết hôn hoặc cần tư vấn các quy định liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình vui lòng liên hệ đến Luật Phúc Gia theo nội dung sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÚC GIA
Trụ sở: Tầng 5 tòa nhà văn phòng số 55 Phố Đỗ Quang, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy , Thành Phố Hà Nội.
Hotline: 024.39.95.33.99 - 0912.68.99.68
Email: tuvan@luatphucgia.vn