Với nền kinh tế đang phát triển nhanh và chính sách mở cửa đầu tư, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn không biết họ được phép thành lập những loại hình cơ sở nào tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ các hình thức pháp lý mà doanh nghiệp nước ngoài có thể lựa chọn để hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
1. Doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập những cơ sở nào tại Việt Nam
Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam
1. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
2. Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.
3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Theo đó, thương nhân nước ngoài được hiểu là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
Bên cạnh đó, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Do đó, theo quy định trên thì doanh nghiệp nước ngoài được thành lập những cơ sở kinh doanh tại Việt Nam bao gồm:
- Đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam;
- Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định.
Cùng với đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau:
Thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC
1. Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.
2. Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
3. Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nộp hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành.
...
Như vậy, nếu trường hợp nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC sẽ được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng.
2. Thẩm quyền cho phép doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
Theo đó, thẩm quyền cho phép doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam cụ thể như sau:
(1) Chính phủ thống nhất quản lý việc cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.
(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(3) Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; thành lập Chi nhánh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thương nhân đó chuyên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Lưu ý: Đối với trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
Bạn còn vướng mắc liên quan hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÚC GIA
Trụ sở: Tầng 5 tòa nhà văn phòng số 55 Phố Đỗ Quang, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội.
Hotline: 0243.995.33.99 - 0912.68.99.68
Email: tuvan@luatphucgia.vn