Tổng hợp hình phạt là một chế định pháp lý bảo đảm tính công bằng xã hội, thể hiện nguyên tắc trừng trị trong chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội. Người phạm tội nghiêm trọng phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội ít nghiêm trọng và người phạm nhiều tội phải bị xử phạt nặng hơn người chỉ phạm một tội. Tuy nhiên, khi tổng hợp hình phạt đối với người phạm tội cũng phải tuân theo nguyên tắc và nguyên tắc này cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào chính sách hình sự của Nhà nước. Một người phạm nhiều tội khác nhau cũng được chia ra thành 2 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Người phạm tội có nhiều hành vi phạm tội khác nhau và mỗi hành vi cấu thành một tội phạm. Các hành vi phạm tội này có thể liên quan với nhau được thực hiện để đạt cùng mục đích hoặc không có liên quan với nhau được thực hiện nhằm các mục đích khác nhau.
Trường hợp thứ hai: Người phạm tội có một hành vi phạm tội nhưng hành vi này lại cấu thành nhiều tội phạm khác nhau.
Khi xét xử người phạm nhiều tội, toà án quyết định hình phạt đối với từng tội phạm theo các căn cử quyết định hình phạt đã được đề cập ở phần trên, sau đó tổng hợp hình phạt đó để được hình phạt chung theo các quy định tại Điều 55 BLHS 2015 quy định về “Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội” của Toà án khi xét xử, cụ thể:
“Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.”
Chiếu theo quy định chúng ta thấy việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội không hề khác với việc quyết định hình phạt khi phạm một tội, nghĩa là Tòa án sẽ căn cứ vào cáo trạng của Viện Kiểm sát, lời bào chữa của bị cáo, luật sư, các chứng cứ cũng như nhân thân người phạm tội v.v…để quyết định hình phạt. Điểm khác biệt duy nhất là chỗ tổng hợp hình phạt sau cùng để ra một mức án chung. Như vậy trong trường hợp xét xử người phạm tội phạm nhiều tội sẽ có 2 bước rất rõ ràng (và cũng được nêu rõ trong Bản án).
Bước 1: Xét xử từng tội phạm cụ thể và quyết định hình phạt cho từng tội
Bước 2: Tổng hợp các hình phạt của từng tội để cho ra một hình phạt chung sau cùng.
Tổng hợp hình phạt chia theo hình phạt chính và hình phạt bổ sung và sẽ có cách cách tổng hợp khác nhau.
- Đối với hình phạt chính có 2 kiểu tổng hợp
Thứ nhất, Tổng hợp theo phương pháp cộng dồn
Tổng hợp hình phạt theo phương pháp cộng dồn nhưng có giới hạn không được quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Ví dụ: A phạm tội trộm cắp bị tuyên phạt 05 năm tù, phạm tội cướp phạt 20 năm tù; phạm tội cướp giật 10 năm tù thì tổng hợp hình phạt của A = 05 + 20 + 10 = 35 năm nhưng đã vượt quá giới hạn 30 năm nên sẽ lấy mức 30 năm tù.
Thứ hai, Tổng hợp theo phương pháp thu hút
Tổng hợp hình phạt theo phương pháp thu hút có nghĩa là hình phạt cao nhất sẽ thu hút các hình phạt còn lại, kiểu này chỉ áp dụng nếu trong những tội phạm phải có ít nhất 1 tội bị tuyên án chung thân, tử hình. Nếu mức án nặng nhất là chung thân thì sẽ quyết định hình phạt cuối cùng sẽ là chung thân và tương tự đối với mức án tử hình. Ví dụ: A Bị tuyên 10 năm về tội cướp giật, 20 năm về tội cướp và tử hình về tội giết người thì tổng hợp hình phạt sau cùng là sẽ là tử hình.
Riêng hình phạt tiền và trục xuất là 02 hình phạt khá đặc biệt, nó có thể được áp dụng là hình phạt chính và cũng có thể áp dụng là hình phạt bổ sung và sẽ không được tổng hợp với các hình phạt khác, riêng hình thức phạt tiền các khoản tiền phạt sẽ được cộng lại thành mức phạt chung theo phương pháp cộng dồn mà không giới hạn mức tối đa.
- Tổng hợp đối với hình phạt bổ sung có 3 kiểu
Thứ hai, Cộng dồn nhưng không giới hạn mức tối đa. Kiểu tổng hợp này chỉ áp dụng duy nhất đối với hình phạt bổ sung là hình phạt tiền. Ví dụ: Với tội 1 A bị phạt tiền 500 triệu đồng, tội 2 là 300 triệu đồng, tội 3 là 200 triệu đồng, tổng hợp hình phạt sau cùng sẽ là 1 tỷ đồng.
Thứ ba, Hỗn hợp tất cả các hình phạt. Kiểu này áp dụng khi các hình phạt bổ sung đã tuyên là khác loại. Khi đó người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã được tuyên đó. Ví dụ: A phạm tội 1 bị áp dụng biện pháp cấm cư trú, phạm tội 2 bị áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân, phạm tội 3 bị áp dụng hình phạt tịch thu tài sản. Tổng hợp sau cùng A phải thực hiện cả 3 hình phạt bổ sung trên.
Như vậy, các quy định trên được xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá các nguyên tắc chung của tổng hợp hình phạt là nguyên tắc cộng toàn bộ, nguyên tắc cộng một phần, nguyên tắc thu hút và nguyên tắc cùng tồn tại.
Liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÚC GIA
Hotline: 0985.181.183
Gmail: luatphucgia@gmail.com
Địa chỉ: Số 55 Phố Đỗ Quang, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội